Người thông minh sẽ hiểu được rằng, kẻ thù thực sự khi chúng ta cãi nhau không phải là người đang đứng trước mặt, mà chính là thứ “cảm xúc” ẩn nấp trong cơ thể mỗi con người.
Tại sao lại xảy ra cãi vã?
Mọi chuyện cãi vã đều bắt nguồn từ vấn đề giao tiếp. Giao tiếp giữa người và người, đó là một quá trình mã hóa và giải mã tín hiệu thông tin lẫn nhau.
Vì hai bên có lập trường, hoàn cảnh, bối cảnh, kinh nghiệm, văn hóa… khác nhau nên quá trình mã hóa và giải mã tín hiệu thông tin nói trên khó có thể tránh khỏi việc “đọc nhầm”.
Khi “đọc nhầm” sẽ khiến chúng ta hiểu nhầm và dàn xếp không thỏa đáng, việc mã hóa và giải mã những thông tin tiếp theo sẽ sinh ra những hiểu lầm mới, vì thế càng lúc càng trở nên rối rắm, sai phạm.
Lúc này cảm xúc của bạn giống như bị đổ thêm dầu vào lửa, bạn đỏ mặt tía tai, thế là hai bên công kích và chửi rủa lẫn nhau, giao tiếp biến thành cãi vã.
Con người còn có một thuộc tính cơ bản, đó chính là nguyên tắc “bảo vệ giá trị bản thân”. Trong tiềm thức, chúng ta thường có tâm lý đề phòng người khác đánh giá thấp hoặc phủ nhận đối với mình, ai cũng đều kỳ vọng được mọi người thừa nhận, đó cũng là nguồn động lực để chúng ta nỗ lực.
Khi giữa chúng ta xảy ra cãi vã, để nhanh chóng “hạ bệ” đối phương, nhất định sẽ công kích người đó về mặt đạo đức và nhân phẩm. Lúc đó sợi dây ranh giới “bảo vệ giá trị bản thân” bị phá bỏ, vấn đề không còn là “hai bên, ai đúng, ai sai” nữa mà đã nâng cấp thành một “trận chiến công kích về nhân cách” và “trận chiến bảo vệ nhân cách”.
Vì thế, khi cãi nhau đến một mức độ nhất định nào đó, chúng ta không còn cãi nhau để phân rõ ai đúng ai sai nữa, mà đơn giản chỉ để tranh giành hơn thua. Hay nói cách khác, chúng ta bị chính cảm xúc của mình “dắt mũi”, và vì thế, cãi vã trở thành quá trình chúng ta đấu tranh với cảm xúc của bản thân.
Do đó, kẻ thù thực sự khi chúng ta cãi nhau không phải là đối thủ, mà chính là cảm xúc của chính mình. Thứ “cảm xúc” ẩn nấp trong cơ thể mới là kẻ thù lớn nhất trong mỗi con người.
Con người một khi bị cảm xúc chi phối, phần ma quỷ trong tâm sẽ tranh thủ cơ hội lộ diện, đây cũng chính là nguồn cơn của nhiều hành vi kích động. Và sự kích động nhất thời sẽ gây ra hàng loạt những việc hối hận cả đời.
Vì thế, khi chúng ta bị kích động, tuyệt đối không nên vội vã “đánh trả”, hãy kiềm chế bằng cách đếm từ 1 đến 10, sau đó tiếp tục giao lưu và trò chuyện, đây là một cách rất hay.
Nguồn: Tinhhoa.net